Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm này, nhiều khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu.
Vốn là địa phương được coi là “chiếc nôi” của giống gạo ngon nhất thế giới ST25, Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích lúa Hè Thu thu hoạch lớn nhất với 29.000ha lúa đã thu hoạch, đạt năng suất bình quân gần 6 tấn/ha. Hiện nay, Sóc Trăng vẫn còn 113.000ha lúa đang được thu hoạch dần.
Tại An Giang, trên 200.000ha lúa vụ Hè Thu đã được thu hoạch với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha.
Mặc dù vụ Hè Thu đang cho thu hoạch, nguồn cung dồi dào nhưng giá lúa tại ĐBSCL đang tăng.
Tại Sóc Trăng, lúa tươi giống OM 18 đang được thương lái thu mua với giá gần 6.000 đồng/kg, OM 5451: Giá 5.800 đồng/kg và lúa ST 24 có giá từ 6.600 – 6.800 đồng/kg.... cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg.
Giá lúa tại An Giang cũng tăng từ 50 đồng đến 350 đồng/kg đối với lúa tươi giống gạo thơm.
Theo nguồn tin từ các thương nhân xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, giá gạo xuất khẩu hiện nay đã tăng, loại gạo 5% tấm ở mức 478-482 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến giá gạo tăng bởi nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu tăng trở lại. Lý do là dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi đó, sản lượng lúa gạo của Thái Lan giảm hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Được biết, trong 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, Hiệp định Thương mại tự do Châu ÂU (EU) – Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực thi hành từ 1.8, EVFTA dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, dư địa xuất khẩu gạo sang các nước EU vẫn còn rất lớn.
Do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao, nên từ giữa tháng 7.2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, vươn lên dẫn đầu thế giới.