Giá cả
Giá gạo Thái Lan giảm mạnh nhất do nhu cầu từ khách hàng quốc tế yếu, trong khi nguồn cung tăng lên theo tiến độ thu hoạch lúa vụ phụ, và đồng baht giảm giá so với USD. Trong khi đó, gạo Ấn Độ đi xuống vì nhu cầu từ khách hàng Châu Phi chậm lại và đồng rupee giảm giá; giá gạo Việt Nam giảm bởi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài thấp.
Ấn Độ: Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ biến động khá mạnh trong tháng 9/2020. Xu hướng giá tăng của tháng 8 kéo dài đến gần giữa tháng 9/2020, khi khách hàng quốc tế, nhất là Châu Phi, có nhu cầu mua mạnh đối với gạo Ấn Độ, giữa bối cảnh việc xuất khẩu gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây thiếu container và thiếu nhân công ở cảng biển và các nhà máy xay xát hoạt động cầm chừng. Trong tuần thứ 2 của tháng 9/2020, giá gạo Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm rưỡi.
Sau đó, dịch Covid-19 ở Ấn Độ vẫn diễn biến xấu. Tuy nhiên, nhu cầu từ khách hàng Châu Phi đã chậm lại sau khi các thị trường này tích cực mua trong giai đoạn tháng 7-8/2020 nên nay đã có đủ lượng cần thiết. Giá gạo Ấn Độ giảm kể từ giữa tháng 9/2020. Ngày 24/9, gạo đồ 5% tấm có giá 379 – 385 USD/tấn, giảm 1% so với 384 – 390 USD/tấn cách đó một tháng.
Đồng rupee đang có xu hướng giảm giá so với USD cũng góp phần làm giảm giá gạo xuất khẩu.
Thái Lan: Giá gạo Thái Lan trong một tháng qua giảm mạnh do vẫn thiếu vắng nhu cầu từ khách hàng quốc tế, trong khi nguồn cung lúa tăng theo tiến độ thu hoạch, và đồng baht giảm giá.
Gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan giá giảm từ 500 - 513 USD/tấn cuối tháng 8/2020 xuống 475 - 495 USD/tấn ngày 24/9/2020 (giảm khoảng 5%).
Thái Lan đang thu hoạch lúa vụ phụ. Mặc dù sản lượng vụ này không cao do bị hạn hán lúc đầu vụ, song cũng đủ để làm nguồn cung cho thị trường tăng lên mức vừa phải. Tháng 10 tới, Thái Lan sẽ thu hoạch lúa vụ muộn.
Việt Nam: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng của tháng 8 sang 10 ngày đầu tháng 9/2020 do một số doanh nghiệp thu gom hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký với Malaysia, Đông Timor và châu Phi, giữa bối cảnh nguồn cung trên thị trường hạn hẹp vì đã kết thúc vụ thu hoạch lúa Hè thu. Tuy nhiên, sau đó giá giảm dần vì thiếu vắng các đơn hàng mới. Tính chung trong vòng một tháng qua (24/8 – 24/9/2020), giá gạo xuất khẩu giảm khoảng 3%, theo đó loại 5% tấm từ mức 480 - 490 USD/tấn xuống 470 – 475 USD/tấn.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn khoảng 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan, trong khi cao hơn khoảng 90 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Diễn biến giá gạo XK của Việt Nam giai đoạn tháng 1-9/2020
(loại 5% tấm, USD/tấn)
Nguồn: Reuters
Diễn biến giá gạo XK của Việt Nam giai đoạn tháng 1-9/2020
so với 4 năm liền trước (loại 5% tấm, USD/tấn)
Nguồn: Reuters
Giá một số sản phẩm lúa gạo trên thị trường trong nước
ĐVT: Đồng/kg
Chủng loại |
Ngày 21/8/2020 |
Ngày 24/9/2020 |
Thay đổi |
Gạo nguyên liệu IR 504 |
9.050 – 9.150 |
8.600-8.700 |
-450 |
Gạo thành phẩm IR 504 |
10.700 |
10.000 |
-700 |
Tấm 1 IR 504 |
8.800 |
8.800-9.000 |
+50 |
Cám vàng |
5.750 |
5.650 |
-100 |
Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại tổng hợp
Giá lúa gạo trong nước tháng 9/2020 diễn biến cùng chiều với gạo xuất khẩu. Ba tuần đầu tháng 9/2020, giá tăng khá nhiều do nguồn cung trong nước khan hiếm vì đã kết thúc vụ thu hoạch lúa Hè Thu, trong khi một số doanh nghiệp gom hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, tâm lý tích cực sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng tạo đà cho giá lúa gạo nội địa tăng. Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 9, giá giảm trở lại vì hoạt động xuất khẩu giảm dần, trong khi một số tỉnh thuộc ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông.
Bangladesh: Giá gạo tiếp tục tăng mạnh do Covid-19 kết hợp với thiên tai (lũ lụt trên diện rộng). Từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2020, lúa gạo Bangladesh tăng giá thêm khoảng 10-20%. Theo đó, loại la Brridhan-28 giá tăng từ 900 – 950 Taka/kg lên 1.200-1.250 Taka/kg; các loại gạo Swarna, Brridhan-28 và 29, Miniket, Jeera, Najirshail đều tăng khoảng 250-275 Tk/bao 50 kg.
Cung - cầu
Nguồn cung tại các nước xuất khẩu nhìn chung ổn định. Trong khi đó, nhu cầu giảm sút do hầu hết các thị trường xuất khẩu đã mua đủ lượng cần thiết. Có khả năng Bangladesh sẽ sớm quyết định nhập khẩu gạo do giá tăng cao. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, dự báo Bangladesh sẽ mua chủ yếu của Ấn Độ, vì khoảng cách địa lý gần, nguồn cung tương đối đồi dào, và giá rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam
Sản xuất. Vụ Hè Thu năm 2020, ĐBSCL sản xuất 1,54 triệu ha lúa, sản lượng đạt cao khoảng 9 triệu tấn. Ở thời điểm này, lúa Hè Thu đã thu hoạch xong. Thời tiết thuận lợi, giá lúa tốt nên sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai vụ Thu Đông vượt diện tích kế hoạch ban đầu, nhiều nơi đã thu hoạch. Như vậy, nguồn cung lúa trong nước cũng như dành cho xuất khẩu vẫn được đảm bảo.
Xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2020 đạt 605.566 tấn, trị giá 304,33 triệu USD, giá trung bình 502,6 USD/tấn, tăng 26,3% về lượng, tăng 31% về kim ngạch và tăng 3,8% về giá so với tháng 7/2020.
Trong tháng 8/2020 các thị trường tăng trưởng nổi bật so với tháng 7/2020 gồm có: Senegal tăng 176,9% về lượng, tăng 104,9% về kim ngạch, đạt 670 tấn, trị giá 0,27 triệu USD; Hà Lan tăng 84,8% về lượng, tăng 103,8% về kim ngạch, đạt 730 tấn, trị giá 0,43 triệu USD; Philippines tăng 86,7% về lượng, tăng 102,% về kim ngạch, đạt 222.866 tấn, trị giá 109,35 triệu USD; Pháp tăng 103,2% về lượng, tăng 80,8% về kim ngạch, đạt 191 tấn, trị giá 0,11 triệu USD.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu gần 4,61 triệu tấn gạo, kim ngạch trên 2,25 tỷ USD, giá trung bình 489,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng tương ứng 0,6%, 13% và 12,4%.
DỰ BÁO
Trong báo cáo tháng 9/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2020/21 sẽ đạt 499,6 triệu tấn (quy xay xát), giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo tháng 8/2020, nhưng vẫn tăng gần 1% so với niên vụ 2019/20 và là mức cao kỷ lục lịch sử.
Diện tích thu hoạch lúa toàn cầu năm 2020/21 dự đoán đạt trên 162 triệu ha, tăng 1,9 triệu ha so với vụ 2019/20, nhưng thấp hơn mức cao kỷ lục 163,4 triệu ha của năm 2016/17.
Tiêu thụ và thất thoát gạo trên toàn cầu trong năm 2020/21 được dự báo ở mức kỷ lục 496,4 triệu tấn, giảm 0,1 triệu tấn so với dự báo tháng trước, nhưng vẫn tăng 1% so với niên vụ trước.
Trong báo cáo này, USDA hạ con số về tiêu thụ gạo của Thái Lan (giảm 0,3 triệu tấn – lần điều chỉnh nhiều nhất). Các nước Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ chiếm phần lớn mức tăng tiêu thụ gạo thế giới trong niên vụ này. Theo đó, tiêu thụ ở Trung Quốc tăng là do lượng gạo sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp tăng; tiêu thụ ở Bangladesh, Myanmar, Ai Cập, EU, Philippines, Hoa Kỳ và Việt Nam dự báo cũng sẽ tăng. Trái lại, tiêu thụ sẽ giảm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Nigeria, trong đó ở Nhật Bản và Hàn Quốc giảm do người tiêu dùng đa dạng hóa các thực phẩm – xu hướng dài hạn.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 được dự báo là 44,4 triệu tấn (quy xay xát), tăng 0,15 triệu tấn so với dự báo tháng trước và tăng hơn 3% so với một năm trước, mặc dù vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục 48,1 triệu tấn của năm 2017, do việc Bangladesh, Nigeria và Sri Lanka giảm mạnh nhập khẩu kể từ năm 2017.
Năm 2021, Thái Lan và Ấn Độ dự báo sẽ tăng xuất khẩu mạnh nhất, thêm tổng cộng 1 triệu tấn. Australia, Campuchia, Mỹ, Uruguay và Việt Nam dự báo sẽ giảm 0,3 triệu tấn.
Về nhập khẩu năm 2021, dự báo Philippines sẽ tăng nhập khẩu thêm 0,4 triệu tấn vì sản lượng dự kiến giảm gần 8% và tiêu thụ sẽ tăng đều đặn. Ngoài ra, nhập khẩu dự báo sẽ tăng 200.000 tấn ở mỗi một trong số các thị trường: Bờ Biển Ngà, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Nhập khẩu dự báo cũng sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ. Nhập khẩu dự báo sẽ giảm ở Australia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng hợp các dữ liệu trên, thị trường gạo Việt Nam trong tháng 10 vẫn đảm bảo nguồn cung. Mặc dù chưa vào giai đoạn thu hoạch rộ, nhưng xu hướng nhu cầu gạo trên thế giới đang chậm lại, nên giá gạo dự báo sẽ không có sự biến động mạnh trong tháng 10.